Thâu tóm ba danh hiệu vô địch cờ tiêu chuẩn, cờ chớp và cờ nhanh, Đại kiện tướng Magnus Carlsen của Na Uy viết lại lịch sử làng cờ vua thế giới thời hậu Garry Kasparov.
Trong lịch sử cờ vua thế giới, kỳ thủ Garry Kasparov là nguồn cảm hứng cho những bậc hậu bối tìm cách vượt qua. Suốt 20 năm dài (1985-2005), Đại kiện tướng người Nga liên tục giữ vững vị trí số một thế giới. Đỉnh cao nhất là giai đoạn 1985 đến 1993, Kasparov giống như kẻ bất khả chiến bại và nhiều người ví ông là kỳ thủ vĩ đại mọi thời đại.
Kasparov còn được nhắc đến trong cuộc so tài cùng những siêu máy tính lập trình chơi cờ vua siêu đẳng như Deep Thought (1989), Deep Blue (1996, 1997) và X3D Fritz (2003). Thách thức cuộc đấu trí với máy móc, Kasparov sớm có cảm giác không còn đối thủ xứng tầm ngoài đời thật sự. Quyết định nghỉ thi đấu vào năm 2005 của ông cho đến nay khiến người hâm mộ cờ vua toàn thế giới nuối tiếc.
Tuy nhiên trong sự nghiệp, Kasparov chỉ vô địch cờ nhanh (Rapid) giai đoạn 2001-2002 chứ chưa từng đăng quang ở nội dung cờ chớp (Blitz) trong 20 năm thống trị cờ tiêu chuẩn thế giới.
Trước khi nghỉ thi đấu, Kasparov có lẽ mãi không quên cuộc so tài thú vị với kỳ thủ trẻ Magnus Carlsen tại giải Aeroflot mở rộng 2004. Năm ấy, Carlsen mới 13 tuổi 8 tháng đã khiến Kasparov toát mồ hôi hột với lối khai cuộc đầy sức tấn công của mình. Khó ai tin kỳ thủ sinh năm 1990 này chơi đôi công và sẵn sàng thí cờ để đánh bại đối thủ, khiến Kasparov đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ nọ.
Khi 13 tuổi 8 tháng, Carlsen (trái) chút nữa đã đánh bại đương kim vô địch thế giới Garry Kasparov tại giải Aerolot mở rộng tại Nga vào năm 2004. Ảnh: NCF. |
Lối đánh ví như “chiến binh cảm tử” ấy khiến Kasparov lúng túng và chút nữa thất bại sau 20 nước cờ đầu tiên. Sau khi thủ hòa may mắn ở trận đấu ấy, Kasparov mới đánh bại Carlsen ở trận tái đấu. Không nằm trong nhóm đoạt HC tại giải Aeroflot Mở rộng tại Nga năm ấy, nhưng Carlsen được Kasparov đánh giá rất cao và nhận lời làm thầy của kỳ thủ trẻ sau này.
Có lẽ Magnus Carlsen sinh ra để dành cho cờ vua, bởi tố chất thiên tài của anh phát lộ từ rất sớm. Mới hai tuổi, Carlsen đã biết chơi trò xếp hình 50 miếng. Bốn tuổi, Carlsen sử dụng thuần thục đồ lắp hình Lego dành cho trẻ từ 10 tuổi trở lên. Bố mẹ định hướng Carlsen theo nghiệp cờ vua cũng vì thế, cho dù ban đầu Carlsen không thực sự hứng thú với môn thể thao này.
Vinh dự là học trò kỳ thủ nổi tiếng Garry Kasparov, nhưng thất bại mới là người thầy lớn nhất giúp Carlsen thống trị làng cờ vua lúc này. Chính bởi lối chơi tấn công mạo hiểm giai đoạn đầu sự nghiệp, Carlsen khá vất vả khi gặp các kỳ thủ kinh nghiệm. Thất bại trong trận đấu lại với Kasparov vào năm 2004 là bằng chứng cho lỗ hổng trong tư duy triển khai thế cờ của Carlsen.
Về sau này, Carlsen đã hoàn thiện bản thân để trở thành kỳ thủ gần như không có điểm yếu. Điều duy nhất Carlsen giữ lại là việc thí cờ để đẩy đối thủ vào thế khó trước khi giành chiến thắng. Có lẽ ván cờ hay nhất trong sự nghiệp của Carlsen chính là đánh bại Viswanathan Anand (Ấn Độ) tại giải Bilbao Masters vào năm 2012. Carlsen quyết định thí quân khiến quân đen của Anand rơi thế khó và buộc xin thua ở nước cờ thứ 30 trận đấu. Đến giải vô địch cờ tiêu chuẩn thế giới 2013, Anand tiếp tục là bại tướng dưới tay Carlsen và đưa kỳ thủ trẻ này lên đỉnh cao nhất thế giới.
Thay vì lối chơi tấn công thần tốc, Carlsen dần thiên về thế cuộc cờ tàn với khả năng ứng biến kỳ diệu. Điều tất cả những kỳ thủ tài năng thế giới đánh giá cao nhất về ngôi sao người Na Uy là khả năng nắm bắt thế trận và luôn đảm bảo mình nắm thế thượng phong trên bàn cờ. Chính Kasparov phải thừa nhận cậu học trò có khả năng nhìn rõ ý đồ đối phương, điều mà chỉ kỳ thủ Anatoly Karpov dám khoe khoang có được.
Điều kỳ lạ là Carlsen rất đam mê đọc truyện tranh về chú vịt Donald, chứ không ham mê kiểm tra IQ của bản thân, cho dù nhiều người dự đoán chỉ số thông minh Carlsen rất cao ở tầm 180-190 như ông thầy cũ Kasparov. Bình thường Carlsen chỉ luyện tập cờ vua cùng máy tính hoặc các trợ lý hoặc chơi đá bóng, trượt tuyết mỗi khi rảnh rỗi. Con người đặc biệt này có thể phân thân cảm xúc để thi đấu chứ không bị bên ngoài tác động ảnh hưởng đến việc chơi cờ của mình.
Kỹ năng chơi cờ của Magnus Carlsen như sự kết hợp hoàn hảo phong cách của những kỳ thủ lớn nhất làng cờ vua thế giới. Đặc biệt khả kết thúc thế cờ tàn biến Carlsen trở thành nhà vô địch tuyệt đối cho đến lúc này. Carlsen sở hữu thể lực và thần kinh “thép” không biết mệt mỏi, giúp anh gần như bất bại trong lúc các đối thủ đã thấm mệt. Tại giải vô địch cờ chớp và cờ nhanh thế giới 2014, trải qua 15 ván cờ nhanh và 21 ván cờ chớp, nhưng Carlsen chỉ hai lần thất bại trước Viswanathan Anand (Ấn Độ – ván đấu thứ 12 cờ nhanh) và Shanglei Lu (Trung Quốc – ván đấu thứ 6 cờ chớp).
Chỉ thua 2/36 ván tại giải đấu tại UAE, Magnus Carlsen thống nhất ba danh hiệu vô địch cờ tiêu chuẩn, cờ chớp, cờ nhanh vào tay mình chỉ trong một năm. Ảnh: DWRB. |
Nhà phân tích cờ vua tên tuổi Jon Speelman đã mô tả kỹ về chiến lược đánh cờ của Carlsen – trong bài viết dài có tựa đề “Carlsen Endgame’s Magic” vào năm 2013 – như sau: “Nhờ sự kết hợp giữa kỹ năng và danh tiếng, anh ta khiến mọi đối thủ phải mắc lỗi… Anh ta có thể chơi mãi mãi một cách bình tĩnh, cẩn thận và có lẽ quan trọng nhất là không hề sợ hãi: tính toán chính xác với chỉ một vài lỗi sai và một tỉ lệ lớn các nước ‘rất tốt’. Điều đó làm cho anh ta trở thành một con quái vật và khiến rất nhiều đối thủ sợ hãi, nản chí”.
Hình ảnh tiếp tục tái hiện trong giải vô địch cờ chớp và cờ nhanh thế giới 2014 vừa kết thúc tại Dubai (UAE) vừa qua. Kỳ tích thống nhất ba danh hiệu cờ tiêu chuẩn, cờ nhanh, cờ chớp mà Carlsen vừa lập được trong năm 2014 là điều những tượng đài như Garry Kasparov, Mikhail Tal, Bobby Fischer, Raul Capablanca, Anatoly Karpov, Viswanathan Anand…. chưa từng làm được.
Đã sở hữu nhiều kỷ lục từ lúc còn rất trẻ nhưng Carlsen chưa có dấu hiệu muốn dừng lại. Nhà vô địch tuyệt đối này đang có hệ số ELO 2881 – cao nhất trong lịch sử làng cờ vua thế giới. Và lâu nay, nhiều người đang tranh cãi liệu Carlsen có thể là người đầu tiên chạm ngưỡng ELO 2900? Cho đến giờ điều đó chưa có hồi kết, nhưng nếu tiếp tục con đường đang đi, không biết chừng kỳ thủ người NaUy sẽ làm được điều tưởng như khó khả thi ấy.