Nội dung
Cờ tướng tàn cuộc là giai đoạn cuối cùng của ván cờ. Cũng là giai đoạn quyết định kết quả của trận đấu thắng.
Các danh thủ có câu: “Khai cuộc tranh tiên – Trung cuộc ưu thế – Tàn cuộc thắng lợi”. Do đó, nghiên cứu về các giai đoạn của cờ tướng là vô cùng quan trọng và cần thiết, nhất là giai đoạn tàn cuộc.
Trong bài viết hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu rõ hơn về giai đoạn này nhé!
Tìm hiểu thêm:
Cờ tướng tàn cuộc là gì?
Trong cờ tướng, tàn cuộc (hay còn gọi là cờ tàn) là giai đoạn kết thúc từ trung cuộc khi lực lượng của hai bên bị tiêu hao dần, tạo thành thế cờ đơn giản, còn rất ít quân.

Hiện nay, trong các ván cờ thực chiến, vấn đề còn bao nhiêu quân trên bàn cờ thì gọi là tàn cuộc vẫn chưa có sự thống nhất rõ ràng, còn gây ra khá nhiều tranh cãi.
Tuy nhiên, nhiều kỳ thủ thừa nhận rằng: khi mỗi bên chỉ còn 1,2 quân chiến đấu và cài con tốt thì trận chiến đã bước sang giai đoạn cuối cùng – tàn cuộc.
Ba loại hình tàn cuộc cờ tướng phổ biến
Theo một số nghiên cứu, tàn cuộc cờ tướng vô cùng phong phú và đa dạng nhưng có thể chia làm 3 loại phổ biến sau:
Tàn cuộc thực dụng
Đối với loại tàn cuộc này, hình cờ được nghiên cứu và có lời giải thắng, thua hoặc hòa và được phân loại một cách rõ ràng.
Xem thêm: Tổng hợp 12 thế cờ tàn thực dụng – Sát chiêu của cao thủ cờ tướng
Tàn cuộc thực chiến
Sau khi kết thúc giai đoạn trung cuộc, trực tiếp hình thành một hình cờ tàn không có trong nghiên cứu mang tính thực chiến, chưa có lời giải chính xác.
Cờ tàn nghệ thuật
Đây là loại hình tàn cuộc đặc sắc nhất. Các quân được sắp xếp tạo ra một thế cờ nên còn được gọi là cờ thế.
Trong cờ tàn nghệ thuật thường là một bên đi tiên sẽ chỉ có 1 hoặc 2 nước tiếp theo là bị bên đi hậu chiếu sát cuộc.
Do đó, bên đi tiên buộc phải thực hiện một loạt các nước cờ điều quân, thí quân chính xác nhằm tạo ra các nước sát cuộc kín đáo để giành chiến thắng trước bên đi hậu.
Đặc biệt, tàn cuộc cờ tướng nghệ thuật thường chỉ có một cách giải duy nhất cho mỗi ván cờ nên người chơi chỉ cần đi sai một nước thì khó tránh khỏi kết cục thua cuộc.
Những nguyên tắc cần phải nhớ trong cờ tướng tàn cuộc
Mỗi một kỳ thủ lại có một cách riêng để triển khai giai đoạn tàn cuộc cho các ván cờ của mình. Tuy vậy, các tân thủ thường gặp nhiều khó khăn và bỡ ngỡ hơn.
Do đó, nắm được những nguyên tắc cơ bản trong tàn cuộc cờ tướng sẽ giúp các bạn dàn trận một cách nhịp nhàng hơn, đưa trận đấu của mình đi đến kết thúc thuận lợi.
Những nguyên tắc đó là:
Thứ nhất, sắp xếp các quân đứng linh hoạt và liên hoàn
Đây là nguyên tắc các kỳ thủ nhất thiết phải tuân thủ, không chỉ trong giai đoạn cờ toàn mà trong cả giai đoạn khác của ván cờ.
Bước sang giai đoạn cờ tàn, số quân trên bàn cờ còn lại rất ít nên vai trò của mỗi quân đều vô cùng trọng yếu, đặc biệt khi chúng nằm ở những vị trí thuận lợi.
Sắp xếp các quân linh hoạt và liên hoàn nhằm mục đích tăng cường sức mạnh của các quân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tấn công hoặc phòng thủ.
Nếu để các quân rời rạc, sức mạnh tổng thể sẽ bị giảm đi đáng kể, sẽ lộ ra sơ hở để đối phương phản công, khó bảo toàn được thế cục, Tướng dễ rơi vào nguy hiểm.
Thứ hai, bảo toàn mọi loại quân nhưng thí quân khi cần thiết
Thoạt nghe thì thấy nguyên tắc này rất mâu thuẫn nhưng khi hiểu rõ rồi thì sẽ thấy nó hoàn toàn hợp lý.
Trong giai đoạn tàn cuộc, số quân trên bàn cờ còn rất ít, vai trò của chúng vô cùng quan trọng nên chúng ta nhất thiết phải cẩn trọng từng nước đi.
Nếu thấy chưa thể đưa thế trận về các thế tàn cuộc điển hình thì phải bảo toàn lực lượng, tránh hy sinh và đổi quân vô ích, bất kể đó là quân Tốt hay các quân cờ có tác dụng phòng thủ như Tượng, Sĩ.
Tuy nhiên, khi nhận thấy thời cơ đưa trận đấu về thế cờ tàn điển hình đã đến mà mình đang là bên chiếm ưu thế thì phải mạnh dạn thí quân, nắm bắt cơ hội để nhanh chóng kết thúc trận đấu.
Trường hợp khác, nếu đối phương đang chiếm thế thượng phong thì cũng phải nghĩ đối sách chống đỡ, thí quân trong trường hợp này nhằm chuyển thế cờ sang thế cờ hòa điển hình.
Thứ ba, công – thủ kết hợp, không thể tách rời
Khi chơi cờ tướng, nhất định phải ghi nhớ câu nói của Ngô Thừa Ân (tác giả tiểu thuyết kinh điển Tây Du Ký): “đánh trước, phải nhìn sau; đánh bên phải, ngó bên trái”.
Có nghĩa là, tấn công phải kết hợp với phòng thủ. Công thủ toàn diện, trong công có thủ, trong thủ có công, lấy công làm thủ, lấy thủ để công.
Nếu chỉ tấn công không lo phòng thủ thì rất có thế sẽ để lộ sơ hở cho đối thủ phản kích hoặc rơi vào “cạm bẫy” của địch.
Ngược lại, nếu chỉ phòng thủ không tấn công thì không thể nào giành ưu thế hoặc chiến thắng được
Đặc biệt, trong giai đoạn tàn cuộc lực lượng trên bàn cờ còn rất ít nên càng cần phải “công chắc-thủ vững”, không thể để xảy ra sai lầm.
Trên đây là vài nét khái quát cờ tướng tàn cuộc và những nguyên tắc cần lưu ý trong tàn cuộc cờ tướng. Chúc mọi người vận dụng thành công và chinh phục mọi đỉnh cao của trò chơi trí tuệ này nhé!