Đối với người yêu cờ thì cờ tướng không chỉ đơn giản là một trò chơi mang tính giải trí, giúp tiêu khiển trong khoảng thời gian nhàn dỗi mà nó còn là một trò chơi trí tuệ đòi hỏi sự tập trung, khả năng tư duy và tính toán. Hôm nay, chúng ta cùng nhau nghiên cứu để tìm câu trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để tạo nên một ván cờ hay?
Tham khảo thêm: Cách tính nước đi trong cờ tướng
Các yếu tố tạo nên một ván cờ hay
Theo các nhà nghiên cứu, cờ tướng là trò chơi mô phỏng cuộc chiến một mất một còn giữa hai quốc gia mà cuộc chiến này chỉ hạ màn khi Tướng của đối phương bị bắt. Tương tự như thế, khi một ván cờ mới bắt đầu nó cũng sẽ trở thành cuộc chiến giữa hai người chơi – hai vị tướng mà binh sĩ của họ chính là những quân cờ trên bàn cờ.
Cổ nhân xưa có câu, việc muốn thành thì phải có đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Tuy nhiên, để tạo nên những ván cờ kinh điển thì yếu tố quan trọng nhất và mang tính quyết định chính là con người (người chơi). Một trận đánh hay cần được điều khiển bằng một vị tướng giỏi.

Vậy vị tướng đó cần phải có những đức tính nào?
Đầu tiên, tâm phải tĩnh. Hầu hết những người chơi cờ giỏi đều là những người có sự tập trung rất cao, khi bước chân vào trận đấu họ sẽ chỉ tập trung vào bàn cờ và những quân cờ, không dễ bị hoàn cảnh bên ngoài tác động. Phát huy tối đa trí tuệ để quan sát, phân tích nước cờ của đối thủ, từ đó tính toán bước đi tiếp theo của mình. Một ván cờ hay – nơi mà trận đấu trí giữa hai người có thể kéo dài vài tiếng đồng hồ. Nếu một người có tính cách bộp chộp, tâm không tịnh thì không thể chờ đến cuối trận được.
Sau đó, phải có chiến thuật cẩn thận, rõ ràng nhưng linh hoạt. Không chỉ mỗi đối thủ đều có lối chơi khác nhau mà ngay trong một trận đấu một người cũng sẽ có những phương thức biến hóa khôn lường. Đối thủ càng mạnh thì phương thức chơi càng phức tạp. Ai là người chủ động hơn trong cách chơi, người đó sẽ có khả năng cao giành được chiến thắng sau cùng cao hơn. Không chỉ vậy, người chơi cũng phải tự điều chỉnh chiến thuật của mình khi đối mặt với các đối thủ khác nhau để không bị ai “bắt thóp”.
Bằng nhiều năm chơi cờ, các cao thủ như Dương Quang Lân, Ma Kỳ Dương, Hồ Vĩnh Hoa đã đúc rút ra những kinh nghiệm quý báu mà hiện tại vẫn được coi như kim chỉ nam cho các tuyển thủ đấu cờ noi theo và rèn luyện. “Công chắc – thủ vững – từng bước tiến lên” và “khai cuộc tranh tiên – trung cuộc ưu thế – tàn cuộc thắng lợi”. Để tổng kết được những kinh nghiệm ngắn gọn như trên, chắc hẳn ai trong số các cao thủ cũng đều phải tham gia rất nhiều trận đấu, đấu trí với rất nhiều đối thủ. Do đó, muốn trở thành một người chơi cờ hay để tạo nên những ván cờ kinh điển, mỗi một cờ thủ đều phải đánh nhiều trận, “thắng không kiêu, bại không nản”, không ngừng học hỏi, không ngừng nghiên cứu đối thủ để sáng tạo nên chiến thuật của riêng mình.
Những nguyên tắc quan trọng để tạo nên một ván cờ hay
Trong cờ tướng, để tạo những ván cờ kinh điển, bên cạnh việc tự xây dựng cho mình một chiến thuật linh hoạt thì người chơi cũng phải nắm rõ và tuân theo những nguyên tắc nhất định.
Nguyên tắc đầu tiên khi bắt đầu một ván cờ chính là tuyệt đối không được nóng vội. Khi chưa nắm được trình độ cũng như lối chơi của đối thủ thì không nên vội vã tấn công. Đôi khi, chỉ một nước đi sai, cả bàn cờ đổ, thế trận sẽ nghiêng về phía có lợi cho đối thủ, bất lợi đối với ta. Bởi vậy, trước tiên chúng ta phải dành thời gian để quan sát, thăm dò, đánh giá sơ bộ về đối thủ để đưa ra chiến thuật phù hợp.
“Bày binh bố trận, dễ công dễ thủ” cũng là một trong những nguyên tắc cần lưu ý.
Tâm thế khai cuộc của cờ thủ trong một ván cờ rất quan trọng. Trong bất kì tình huống nào, người chơi cũng phải chủ động xây dựng chiến thuật, triển khai quân theo các thế cờ để chống lại thế cờ của đối phương, đồng thời thiết kế bẫy rập chờ đối thủ “lọt hố”.
Phân tích tỉ mỉ thế cờ của đối thủ trước khi quyết định tấn công. Trong một ván cờ hay, chủ động tấn công để thay đổi cục diện, tìm ra điểm đột phá để hạ gục đối thủ luôn là chiến thuật được nhiều cờ thủ ưu tiên sử dụng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chúng ta cần ưu tiên bao quát toàn bộ thế trận rồi mới tấn công. Có nghĩa là phải cân nhắc thật kỹ thế cờ trước và sau khi tấn công sẽ phát triển theo hướng nào? Đề phòng những trường hợp chỉ lo công không lo thủ, để lộ sơ hở dẫn đến rơi vào thế bị động cho đối thủ tấn công và thua không còn một manh giáp.
Đối với những đối thủ mạnh, cờ thủ cần phải tạo cho mình một phòng thủ chắc chắn, ưu tiên sử dụng thế trận phòng ngự phản công, chờ đợi địch sơ hở để tấn công tạo ra đột phá thay vì tấn công trực diện, “lấy trứng trọi đá”.
Tóm lại, để tạo nên những ván cờ hay chúng ta cần phải có một cờ thủ giỏi – không những có một cái đầu thông tuệ mà còn phải có nội tâm vững chắc, không dễ bị lay động. Bên cạnh đó, cần tham khảo và nắm rõ các nguyên tắc cơ bản trên bàn cờ để tạo nên chiến thuật mang thương hiệu cá nhân của riêng mình.